kỷ niệm cách đây gần 20 năm – Tác Giả HoaMaudon

truyenst

Admin
Thành viên BQT
4/5/17
103
28
Em còn nhớ rõ là năm 2003

Lúc đó em mới ra trường được chưa đầy 1 năm, vào làm việc hợp đồng cho một cơ quan bên chính sách phát triển của 1 dự án 1 Bộ. Nhóm công tác của em lúc đó có việc là chuyên đi khảo sát thực trạng kinh tế xã hội ở các vùng sâu, vùng cao, ghi chép cụ tỉ về lứa tuổi kết hôn, hôn nhân cận huyết, kinh tế hộ gia đình, trình độ văn hóa, văn hóa kinh doanh sản xuất bản địa như : chợ phiên, phương thức trao đổi, sản vật địa phương …. Nhóm của em có 5 người, 1 sếp trưởng nhóm lúc đó ngoại tứ tuần, là cựu chiến binh đánh biên giới phía Bắc, tính nóng như lửa nhưng kinh nghiệm, phong sương, từng trải. Một anh ngoại ngữ ra trường năm 98, đi làm được 5 năm, một cậu hơn em một tuổi, Kinh tế quốc dân, đi làm trước em 8 tháng, 1 bác tài xế ( thực ra, bác tài và xe là của Dự án, nhưng suốt đợt rong ruổi gần năm trời khắp vùng Tây-Đông Bắc bộ, nhóm em chỉ đi cùng với bác tài và gã Prado lầm lì này nên em cứ nhận bác ấy là người của nhóm), bác tài già ngoài 50 tuổi, trước khi về lái cho dự án là lái xe vùng núi suốt mười mấy năm sau khi phục viên từ đoàn lái xe Trường Sơn.

Nhân vật út ít là em, là gái duy nhất trên xe ( mà theo như lời của các bác, các anh là tuy có đôi lúc đem lại chút ít cảm hứng cho đường núi bớt xóc, nhưng tựu chung lại là tăng thêm phần phức tạp lỉnh kỉnh cho công tác hậu cần ăn ở thăm nom động viên ..hic )
Em thì cũng giống đa số bọn con gái thành phố thế hệ 8x đầu là sáng đi học, tối về nhà ăn bơm thầy bu, đi đâu cứ len lét 9h30 có mặt ở nhà ( chứ không xun xướn như mấy cháu 9x bjo ), ra trường, qua quen biết, nhờ biết chút ít tiếng Anh, thi đạt qua vòng ngoại ngữ, thế là em trở thành nhân viên dự án ..hì …oai.

Suốt từ khi sinh ra, 16 năm cắp sách, những lần đi xa khỏi nhà, khỏi Hà Nội của êm chỉ là những chuyến về quê nội quê ngoại cùng với 2 lần tham quan ở Đại Lải và Hạ Long, chấm hết!

Ngay sau tuần đầu tiên đi làm, em nhận lịch công tác, háo hức khoác ba lô lên vai và leo lên gã Prado cùng với đủ bộ sậu sếp lính mà em mô tả ở trên, bắt đầu chuyến công tác đầu tiên trong đời – Cung Tây Bắc.

dem-1-e1548948195770.jpg


Đã có Cụ nhà thơ lão thành mô tả đường tàu tưởng tượng lên Tây Bắc với “ tàu đói những vầng trăng”, nên tâm lý em rất là háo hức…với bao nhiêu là hình ảnh lãng mạn, hùng vĩ mà em đã được thấm nhuần qua … TV và truyện Kim Dung.

Nhưng các Cụ trên otofun chắc cũng chẳng lạ gì cung đường Tây Bắc cách đây gần hai chục năm, chuyến đi đầu tiên ấy của em đích đến là một vạt các tỉnh : Sơn La, Điện Biên, Lào Cai rồi qua Hà Giang .. và con bé hơn 20 năm chỉ rú rú góc nhà, đã hưởng trọn những trận say xe ra đủ mật xanh mật vàng trong những ngày đầu tiên chao đảo với những cua tay áo ….

Chuyến công tác diễn ra đúng kế hoạch và em dần quen, không còn say xe nữa khi từ Điện Biên quay trở về.

Câu chuyện xảy ra với em mà em xin được chia sẻ với các Cụ là khi gã Prado mệt mỏi nhọc nhằn dừng bánh ở một xã vùng sâu ở Lào Cai

Chiều muộn hôm đó, xe công tác bọn em hì hục leo, bám, vật lộn với con đường quằn quại và trầy trụa, trong màn nước mờ đục của mưa phùn nặng hạt và cái rét tái tê vùng biên viễn cứ lùa vào từng người trên xe mặc dù bác tài đã đóng kín cửa kính, nhưng máy điều hòa trên xe thì hỏng chiều nóng …
Đích đến của nhóm em hôm đó là trụ sở UBND một xã vùng sâu ở một huyện xa, cách xa thủ phủ Lào Cai
Câu chuyện đường trường thường ngày trên xe có vẻ như đã bị cái rét, cái ảm đạm của chiều đông mưa núi làm cho lạnh ngắt, trên xe chẳng ai ngủ, nhưng từ sếp đến lính mắt mũi cứ thao láo nhìn qua cửa kính, chăm chú ngắm nhìn từng ngọn cây, từng mỏm đá rũ rĩ, xám xịt nhấp nhổm trôi dọc ra phía sau xe, âm thanh chủ đạo trên xe là tiếng gào rú hằn học của động cơ khi nó chật vật lắc lư nuốt từng mẩu đường ngoằn ngèo.
Em, như mọi khi, được ưu tiên ngồi sau lưng ghế phụ (mà theo lời của sếp – người ngồi ở ghế phụ – là tau nhường cho mi đó, chỗ đó an toàn và ít say – sếp người miền Trung), gí mặt qua cửa kính, lơ đãng nhìn theo cảnh vật bên ngoài, … một con suối khá sâu quanh co chạy bọc lấy con đường ( chả biết gọi là sông hay suối nữa, vì sau này khi công tác trên vùng núi phía Bắc, em biết là chỉ một đêm mưa nguồn, những cái suốt be be thế này sẽ nhanh chóng cuồn cuộn trở thành những dòng nước hung hãn chảy xiết …)
Đang nghĩ vẩn vơ thì bỗng nhiên máy xe hộc lên một tiếng, rồi cảnh vật xoay ngang, bác tài bẻ lái ngọt cho chiếc xe rẽ trái, leo ngược cái dốc nhỏ. Bò chừng dăm chục mét nữa thì mũi xe vươn lên, máy gào to, rồi nó trườn vào một cái sân xi măng rộng chừng đủ chỗ cho 8 cái xe đỗ. Bác tài cho máy rú ga lên một tiếng to rồi tắt máy ( cái này các Cụ đàn ông cho nhà em hỏi là sao nhiều cụ trước khi tắt máy là cứ phải nhấn ga nhát cuối cho rú ầm lên rồi mới hết thế ạ )
Ủy ban xã đây rồi. Em mô tả qua vị trí thế này, vì nó sẽ liên quan đến nội dung câu chuyện xảy ra với em vào đêm hôm đó.
Đây là hai dãy nhà cấp 4, chính xác hơn là 1 dãy nhà cấp 4 hình chữ L, nó nằm ở hai cạnh của cái sân xi măng mà xe của chúng em đỗ ở góc phía gần cổng. Cạnh dài của chữ L gồm phòng Chủ tịch, phòng Hội đồng hay Đ..ảng ủy gì đó em không nhớ rõ, là 3 phòng nhỏ ( khoảng 15m2, có 1 cửa sổ và 1 cửa ra vào, phía lưng phòng có 1 cái cửa sổ nữa) và 1 Hội trường, có diện tích bằng 3 phòng nhỏ, hội trường thì có ít bàn ghế dài và có sân khấu xi măng, bục phát biểu cũ kỹ …)
Cạnh ngắn có 3 buồng, đi từ ngoài vào là buồng văn thư, bảo vệ gì gì đó, buồng y tế và một buồng nữa em không biết là buồng gì. Mấy cái phòng này đều nhỏ và giống như buồng 15m2 ở trên kia, nhưng lưng phòng không có cửa sổ, chỉ có 1 cửa sổ và 1 cửa ra vào phía trước.
Phía trước các phòng là một thềm xi măng với mái ngói kèo dài ra, tạo thành hành lang để đi lại tránh mưa, thềm này cao hơn mặt sân khoảng nửa mét và lập tam cấp ( các Cụ lớn tuổi chắc còn nhớ kiểu nhà cấp 4 cũ này ở vùng núi, vùng cao 10 năm trước, đến giờ khi em công tác lên, các UB xã đã được xây mới khang trang sáng đẹp hơn nhiều lắm rồi)
Em mô tả để các Cụ hình dung nó là như vậy, và cái nhà chữ L này cũ kỹ, xù xì rất hòa nhập với khung cảnh chiều đông mưa phùn xám xịt thê lương hôm đó.
Ủy ban xã vẫn còn một số người nán lại chờ đoàn công tác, chào hỏi xong xuôi, bọn em lại lên xe máy, rồng rắn về nhà một bác cán bộ xã ăn cơm tối, theo chương trình, cơm nước xong, mấy thầy trò sẽ về Ủy ban ngủ.

Năm người bọn em được 3 bác người địa phương chở bằng xe máy, hai cậu thanh niên thôn, người dân tộc chở kẹp 3, riêng em được ưu ái ngồi sau bác cán bộ xã trên chiếc Wave Tàu màu đỏ đen. Hoàng hôn trong mưa phùn nặng hạt bỗng trở nên vội vàng, tàn dư yếu ớt của chút ánh sáng cuối chiều đông nhòe dần đi nhanh chóng, núi rừng tím sẫm.
Đi xe máy thực ra là để cho đỡ phải cuốc bộ trên cái đoạn được lầy trợt ngoằn nghèo, để trốn cho nhanh khỏi bóng tối ùa đến, chứ thực ra thì đường từ ủy ban về nhà bác cán bộ xã cũng không xa lắm. Sau gần chục phút lọc xọc, chồm chồm ( không biết hai xe kia như nào, còn bác cán bộ xã thì bảo em cứ ngồi yên, cấm động đậy, không thò chân xuống), chạy vòng già nửa quả đồi, thì đến nơi… Trên sườn dốc, bên tay phải đường, ánh lửa hồng thanh bình nhấp nháy dưới mái bếp như đón chào, cảm giác ấm áp từ đâu ùa tới, quấn quýt lấy bước chân vội vã
Ở đây chưa có điện, đường điện mới được kéo vào đến ủy ban. Bếp là bếp củi, đèn thì thắp đèn dầu cũ kỹ và nhà nào cũng có vài cái đèn ắc quy xách tay của TQ – loại đèn vẫn được biết đến với cái tên đèn soi ếch, khá phổ biến lúc bấy giờ.
Mâm cơm nhanh chóng được dọn ra, đơn giản chỉ là gà luộc và đĩa rau luộc, nhưng sự nồng hậu của vợ chồng bác chủ nhà cùng với sóng sánh ánh đèn trên miệng chén rượu nồng, phút chốc cái rét, cái đói sau cả ngày ngồi xe dường như tan biến vào hư không.
Cánh đàn ông rôm rả, ồn ào, hào hứng. Em thì ngồi thủ thỉ với bà chủ nhà cùng ba bé nhỏ, cách nhau chừng 2 tuổi là cùng. Vợ chồng bác cán bộ xã đều là người dưới xuôi, cùng quê Hà Sơn Bình, bác trai thì đi bộ đội lên Lào Cai, sau năm 90, phục viên về huyện, rồi về xã, rồi gặp bác gái lúc đó làm ở vật tư nông nghiệp. Bây giờ thì bác trai về hẳn xã làm việc, bác gái có sạp bán chút ít đồ lặt vặt ở chợ. Nhà bác là gần ủy ban nhất, nên bác trai được giao luôn nhiệm vụ giữ chìa khóa, thường trực đón khách như hôm nay.
Cơm nước xong xuôi, mọi người lục tục đứng lên, chuẩn bị quay trở lại ủy ban. Bác gái cũng thu xếp mâm bát xuống dưới nhà rồi lên nhà trên cầm đèn tiễn khách. Ra đến sân, bỗng nhiên bác gái nắm vào cái balo em đeo trên lưng ( hồi đó em có thói quen đi đâu cũng khư khư đeo theo cái balo, trong khi mấy vị cùng nhóm thì hầu như vứt đồ lại trên xe), bảo em ở lại nhà bác ngủ đêm nay, sáng mai bác trai đèo ra..ngoài đó không có giường chiếu chăn ấm gì, nằm ở hội trường lạnh lắm, mấy ông kia thì còn có rượu, chứ cháu thì ở đây cho ấm
Em phần vì ngại lạ nhà, phần thì quen với buổi tối có điện rồi, lại để còn cắm sạc cho cái Nokia 8210 màu trắng sứ đã cạn pin vì chơi game trên xe từ chiều (sóng di động vào đây là mất sạch, vùng núi hồi ấy gần như không có sóng, cái điện thoại khi ấy chỉ là màn đơn sắc, tít tè với dăm cái game cơ bản cũng đã là cả niềm vui cuộc sống rồi …), nên cố gắng khéo từ chối, nói là phải ra cùng đoàn công tác để tối còn chuẩn bị tài liệu … Lại bác chủ nhà và hai cậu thanh niên thôn đưa nhóm em ra ủy ban.
Đến nơi, hai cậu thanh niên chào rồi quay xe về trước, còn bác cán bộ xã thì xủng xẻng chùm chìa khóa đi mở cửa, bật điện cho nhóm em. Bác dẫn mọi người vào hội trường trên dãy nhà ngang, xắn tay cùng mấy anh em kê dọn lại chút ít bàn dài, ghế băng, tạo ra chỗ nằm tạm ổn cho mấy người qua đêm. Có tí men vào, hình như cánh đàn ông rất hào hứng thì phải, sếp thường ngày cạu cọ và nóng tính như lửa, thế mà bây giờ cũng tay chổi tay xẻng quét dọn đảm đang ..hì hì
Khi em cùng mọi người đang hối hả xách đồ từ xe vào, chạy băng qua khoảng sân thì thấy bác cán bộ đã mở cửa, bật đèn ở một phòng nhỏ dãy nhà dọc. Ít phút sau, bác lên hội trường, chào mọi người, dặn dò mấy ý đại loại như là đêm sương núi rất buốt, anh em dưới xuôi lên dễ ốm, khi ngủ thì đóng hết cửa lại, buộc chặt ( cửa sổ rệu rã, chẳng có đủ chốt hay móc nữa) rồi dẫn em ra ngoài hè, trước cửa hội trường, bác chỉ tay xuống dãy nhà dọc (bên tay phải, nhìn từ hội trường xuống), có phòng mà bác vừa mở cửa, bác nói đấy là phòng cho em, có giường, gối và khả dĩ ấm áp kín đáo hơn, em sẽ ngủ ở đó cho tiện.
Nói xong, bác ngoảnh vào chào mọi người trong hội trường một lần nữa, rồi mới hối hả dắt xe, nổ máy. Ánh đèn pha cùng tiếng xe máy mờ dần rồi tắt hẳn. Em vẫn đứng trước cửa hội trường, bây giờ mới chú ý nhìn xung quanh…
Mặc dù là có điện, nhưng đường điện kéo đến ủy ban là hết, tức là điện cuối nguồn, lúc này ánh sáng của bọn em là từ mấy bóng đèn tròn vàng nhợt nhạt trong hội trường, một bóng đèn trước thềm chỗ em đang đứng và ánh đèn vàng yếu ớt hắt ra từ cửa sổ mở hé của cái phòng nhỏ dành cho em ở nhà dọc
Ánh đèn vàng quạch cố gắng rướn mình trong làn mưa cũng chỉ bám ra, rơi rớt được đến già nửa cái sân xi măng, chiếc Prado cơ bắp nằm cạnh cổng cũng chỉ ánh lên đôi đường nét yếu ớt trong ánh đèn vọng đến.
Phía sau lưng em, trong hội trường đã thấy tiếng cười nói ồn ã, không cần quay vào, em cũng biết 4 thầy trò đã lại an vị 4 góc với bộ bài trên tay, can rượu xách từ xe xuống chăm chỉ ngồi cạnh phục vụ…
Mùi thuốc lá thơm thơm ngai ngái bay ra, em vốn không thích mùi thuốc, đặc biệt là khi hút trên xe, nó ám hết vào quần áo, vào tóc … nhưng tự nhiên lúc đó thấy cái mùi khét khét ấy sao ấm áp lạ lùng
Gió càng muộn càng rét … Nhìn ra xa chỉ thấy núi đen sẫm ẩn hiện trên nền trời vừa tối vừa mờ mịt trong mưa phùn

Lúc đó khoảng 9h tối …
 

Liên Kết

Top Bottom